Các hình thức đầu tư |
Thứ tư, 27 Tháng 3 2013 |
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, kinh doanh được định nghĩa là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Bên cạnh khái niệm kinh doanh, bản luật doanh nghiệp về pháp luật hiện hành còn đưa ra định nghĩa pháp lý về hoạt động thương mại. Theo nghĩa kinh điển thì hoạt động thương mại là hoạt động mua bán, là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ và tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, khái niệm thương mại đã được mở rộng đến các lĩnh vực sản xuất, phân phối, dịch vụ, đầu tư... với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. mua sach truc tuyennha sach minh khainhan chung hoc50 sac thai tap 4sachgiamgiasach tam ly hoctu dien han viet hien dai
1. Khái niệm về đầu tư Trước khi ban hành Luật Đầu tư năm 2005, khái niệm đầu tư kinh doanh chưa được định nghĩa thống nhất trong các văn bản pháp luật. Luật Đầu tư, với phạm vi điều chỉnh là hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh, đã định nghĩa: "Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư"[1]. Đặc biệt Luật Đầu tư còn đưa ra định nghĩa về hoạt động đầu tư làm cơ sở để phân biệt giữa đầu tư và hoạt động đầu tư, theo đó hoạt động đầu tư được hiểu là hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư bao gồm các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lí dự án đầu tư[2]. Cần phân biệt khái niệm đầu tư kinh doanh với khái niệm kinh doanh (thương mại). Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, kinh doanh được định nghĩa là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Bên cạnh khái niệm kinh doanh, pháp luật hiện hành còn đưa ra định nghĩa pháp lý về hoạt động thương mại. Theo nghĩa kinh điển thì hoạt động thương mại là hoạt động mua bán, là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ và tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, khái niệm thương mại đã được mở rộng đến các lĩnh vực sản xuất, phân phối, dịch vụ, đầu tư... với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Vì lẽ đó, việc xác định ranh giới giữa hoạt động thương mại và hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn và ít có ý nghĩa. Có thể đồng nhất giữa khái niệm kinh doanh và khái niệm thương mại ở chỗ, chúng đều là hoạt động của các chủ thể kinh doanh, thương mại nhằm mục đích lợi nhuận. Luật Thương mại năm 2005 đã định nghĩa hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này là mọi hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, trong đó có hoạt động đầu tư. Với cách hiểu về thương mại như vậy, hoạt động đầu tư kinh doanh được coi là một bộ phận của hoạt động thương mại. 2. Hình thức đầu tư Hình thức đầu tư là cách thức tiến hành các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hình thức đầu tư kinh doanh ngày càng phong phú, đa dạng; mỗi hình thức đầu tư có những đặc điểm riêng nhất định về cách thức đầu tư vốn, tính chất liên kết và phân chia kết quả kinh doanh giữa các nhà đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của mình, các nhà đầu tư có quyền lựa chọn các hình thức đầu tư thích hợp theo quy định của pháp luật. Luật Đầu tư quy định có hai hình thức đầu tư: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. 2.1. Các hình thức đầu tư trực tiếp Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý các hoạt động đầu tư. Theo pháp luật đầu tư hiện hành, các hình thức đầu tư trực tiếp ở Việt Nam bao gồm: a. Đầu tư vào tổ chức kinh tế (thành lập hoặc góp vốn) Đầu tư vào các tổ chức kinh tế là việc nhà đầu tư bỏ vốn thành lập mới các cơ sở kinh doanh hoặc góp vốn vào vốn điều lệ để nắm quyền quản trị của đơn vị kinh doanh đang hoạt động. Đầu tư vào tổ chức kinh tế bao gồm các nhóm hình thức đầu tư chủ yếu sau: - Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Thuộc nhóm hình thức đầu tư này có các hình thức chủ yếu là: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu), hộ kinh doanh. - Thành lập, góp vốn vào tổ chức kinh tế có sự hợp tác giữa nhiều nhà đầu tư. Ở nhóm hình thức đầu tư này, nhà đầu tư có thể thành lập hoặc góp vốn vào công ty hợp danh, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Trong nhóm hình thức đầu tư vào tổ chức kinh tế, hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư được tiến hành thông qua tư cách pháp lí của các tổ chức kinh tế. Ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, việc thành lập, tổ chức hoạt động của các tổ chức kinh tế còn chịu sự điều chỉnh của các quy định trong các văn bản pháp luật về hình thức tổ chức kinh doanh (Luật Doanh nghiệp năm 2005). b. Đầu tư theo hợp đồng: Khác với hình thức đầu tư vào tổ chức kinh tế, nhóm hình thức đầu tư theo hợp đồng, đầu tư vốn để kinh doanh của nhà đầu tư được tiến hành trên cơ sở hợp đồng được giao kết giữa các nhà đầu tư hoặc giữa nhà đầu tư với nhà nước ( các cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Nhà đầu tư trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh với tư cách pháp lí của mình phù hợp với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư theo hợp đồng, ngoài việc phải tuân thủ Luật đầu tư, việc giao kết, thực hiện hợp đồng còn phải phù hợp với các quy định chung về hợp đồng trong kinh doanh, thương mại. Đầu tư theo hợp đồng bao gồm các hình thức sau: - Hợp đồng hợp tác kinh doanh (gọi tắt là hợp đồng BCC) là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân. Đặc điểm quan trọng nhất của hợp đồng hợp tác kinh doanh là trong hợp đồng, các bên có thỏa thuận phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm . Các hợp đồng thương mại và hợp đồng giao nguyên liệu lấy sản phẩm, hợp đồng mua bán hàng hóa trả chậm và các hợp đồng khác mà không thực hiện phân chia lợi nhuận hoặc kết quả kinh doanh không phải là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, các bên của hợp đồng có thể thỏa thuận thành lập Ban điều phối (điều hành) để theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ban điều phối hợp đồng hợp tác kinh doanh không phải là đại diện pháp lý cho các bên. - Đầu tư theo hình thức hợp đồng Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) và Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT): BOT, BTO và BT là những hình thức đầu tư thông qua hợp đồng được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Thời gian trước đây, nhà đầu tư của các loại hợp đồng BOT, BTO và BT chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã bước đầu tham gia các hợp đồng này. Theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn để xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng trong thời hạn nhất định và chuyển giao cho nhà nước theo những phương thức thanh toán, đền bù khác nhau. Các hình thức BOT, BTO và BT có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, sản xuất và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lí chất thải..). Thay vì phải đầu tư vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Nhà nước áp dụng những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư để có được hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua việc nhận chuyển giao quyền sở hữu các công trình từ nhà đầu tư, bằng những phương thức chuyển giao khác nhau. Về mặt pháp lí, sự khác nhau chủ yếu giữa các hình thức đầu tư BOT, BTO và BT thể hiện ở thời điểm chuyển giao quyền sở hữu công trình gắn với quyền quản lí, vận hành, khai thác công trình của nhà đầu tư cho nhà nước và phương thức thanh toán, đền bù của nhà nước cho nhà đầu tư. Trong hình thức BOT, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư quản lí và kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lí, hết thời hạn kinh doanh, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình cho nhà nước. Với hình thức BTO, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư chuyển giao quyền sở hữu công trình cho nhà nước; nhà đầu tư được nhà nước dành cho quyền kinh doanh công trình trong thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lí. Ở hình thức BT, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư chuyển giao quyền sở hữu công trình cho Nhà nước; nhà đầu tư được nhà nước tạo điều kiện thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lí hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT. c. Đầu tư phát triển kinh doanh: Đầu tư phát triển kinh doanh là hình thức đầu tư theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực hoạt động của cơ sở kinh doanh. Đầu tư phát triển kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư hiện có, đồng thời bổ sung vốn đầu tư mới, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của cơ sở kinh doanh. Đầu tư phát triển kinh doanh bao gồm các hình thức cụ thể là: mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh (thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc...); đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. d. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp: - Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức đầu tư được thực hiện thông qua việc chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. - Mua lại doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp là hình thức đầu tư theo đó nhà đầu tư nhận chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có thanh toán. Từ phương diện luật cạnh tranh, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp là hành vi của doanh nghiệp thuộc nhóm hành vi tập trung kinh tế. Việc đầu tư thông qua thực hiện sáp nhập và mua lại doanh nghiệp tiềm ẩn khả năng tạo lập vị trí thống lĩnh, và cao nhất là vị trí độc quyền của doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa, dịch vụ; làm giảm chỉ số cạnh tranh, thậm chí triệt tiêu cạnh tranh của thị trường. Vì lẽ đó, khi sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện quy định bởi Luật Đầu tư, các nhà đầu tư còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan. 2.2. Các hình thức đầu tư gián tiếp Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý các hoạt động đầu tư. Sự khác nhau cơ bản giữa các hình thức đầu tư trực tiếp và các hình thức đầu tư gián tiếp là mức độ, phạm vi quản lí và kiểm soát của chủ đầu tư đối với hoạt động kinh doanh. Trong các hình thức đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lí, điều hành quá trình thực hiện và sử dụng các nguồn lực đầu tư. Nhà đầu tư gián tiếp về cơ bản chỉ được hưởng các lợi ích kinh tế từ hoạt động đầu tư. Đầu tư gián tiếp bao gồm những hình thức phổ biến như: đầu tư thông qua mua chứng khoán (cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác); đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; đầu tư thông qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm...
[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư (2005) [2] Khoản 7 Điều 3 Luật Đầu tư (2005) |