Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân |
Thứ năm, 02 Tháng 5 2013 |
Luật doanh nghiệp đã nêu: Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án còn lại, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. luật doanh nghiệp cũng nói: Khi cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện. mua sach truc tuyennha sach minh khainhan chung hoc50 sac thai tap 4sachgiamgiasach tam ly hoctu dien han viet hien dai
Tố tụng dân sự hiện hành được quy định trong Bộ luật tố Tụng dân sự đã được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực từ 01/01/2005
1. Những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự tại Tòa án Tranh chấp kinh doanh, thương mại là một trong những vụ việc dân sự khi được giải quyết tại Tòa án phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau đây: - Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự; - Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác; - Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; - Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; - Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự; - Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự; - Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự tự hòa giải; - Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự; - Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; - Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự; - Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; - Xét xử công khai; - Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự. Pháp luật quy định những người không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng; - Thực hiện hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm; - Giám đốc việc xét xử: Tòa án cấp trên giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp dưới; - Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án. Tòa án nhân dân và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ này; - Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch; - Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; - Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án; - Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng dân sự; - Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự. 2. Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại a. Thẩm quyền theo vụ việc Có bốn nhóm tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004): Thứ nhất, tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: - Mua bán hàng hóa; - Cung ứng dịch vụ; - Phân phối; - Đại diện, đại lý; - Ký gửi; - Thuê, cho thuê, thuê mua; - Xây dựng; - Tư vấn, kỹ thuật; - Vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa; - Vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; - Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; - Đầu tư, tài chính, ngân hàng; - Bảo hiểm; - Thăm dò, khai thác. Thứ hai, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Thứ ba, tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. Thứ tư, các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định. b. Thẩm quyền của Tòa án các cấp Ở Việt Nam, có hai cấp tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm là Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh. Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại từ điểm a đến điểm i thuộc nhóm 1 của thẩm quyền theo vụ việc nêu trên. Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án còn lại, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Khi cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện. c. Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ Khi đã xác định tranh chấp được giải quyết tại Toà án cấp nào, còn phải xác định Toà án ở địa phương nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và thi hành án, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004 quy định: - Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án về kinh doanh thương mại là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc của bị đơn (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức). - Để bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên, pháp luật tố tụng còn quy định các bên có tranh chấp cũng có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi nguyên đơn có trụ sở (nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức) giải quyết vụ án. - Trường hợp vụ án liên quan đến bất động sản thì Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. d. Thẩm quyền xét xử theo sự lựa chọn của nguyên đơn Trong thực tế, khi xác định thẩm quyền của Toà án theo cấp và theo lãnh thổ sẽ có trường hợp có nhiều Toà án cùng có thẩm quyền giải quyết một vụ án. Chính vì vậy, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn khi tiến hành khởi kiện, pháp luật còn quy định nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án để yêu cầu giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây (Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004): - Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có tài sản, nơi có trụ sở hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn giải quyết. - Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết. - Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết; - Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án một trong các bị đơn có cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết. - Nếu tranh chấp đến bất động sản mà bất động sản ở nhiều nơi khác nhau, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết. 3. Các giai đoạn của tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại Thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại thực hiện theo quy định chung của tố tụng dân sự. Có thể khái quát thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án có những giai đoạn cơ bản sau đây. a. Khởi kiện và thụ lý vụ án Một vụ án dân sự nói chung, một vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng chỉ được bắt đầu nếu có đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện thể hiện ý chí đơn phương của nguyên đơn mà không cần sự thỏa thuận của các bên như đối với Thỏa thuận trọng tài trong tố tụng trọng tài. Đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Tòa án theo những quy định về thẩm quyền phía trên. Trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu này là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.. Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện. Sau khi thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án, thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đén việc giải quyết vụ án, cho Viện Kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Bị đơn phải gửi đến Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có. Đồng thời, bị đơn cũng có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn trong giai đoạn này. Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. b. Hòa giải và chuẩn bị xét xử Quy định rất quan trọng về trách nhiệm của Tòa án trong tố tụng dân sự là phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định của pháp luật. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì Tòa án lập Biên bản hòa giải thành. Sau bảy ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, đồng thời ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. c. Phiên tòa sơ thẩm Phiên tòa sơ thẩm diễn biến theo trình tự các công việc: Chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án và tuyên án. Bản án và quyết định của phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đối với các bản án, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, các đương sự có quyền kháng cáo. Đối với các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, thời hạn kháng cáo là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án đã xử sơ thẩm, kèm theo là tài liệu, chứng cứ bổ sung, nếu có để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Nếu hết thời hạn kháng cáo mà không có kháng cáo, kháng nghị (của Viện Kiểm sát), bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. d. Xét xử phúc thẩm Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa. Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau: - Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; - Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; - Đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng. Diễn biến của phiên tòa phúc thẩm về cơ bản là những thủ tục như tại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự có quyền thỏa thuận để giải quyết vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm công nhận sự thỏa thuận này. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền: - Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm; - Sửa đổi một phần hoặc toàn bộ quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm; - Huỷ bản án, quyết định sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc việc xác minh, thu thập chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm không đầy đủ mà Toà án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; - Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo các quy định của pháp luật. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. đ. Thủ tục xem xét lại đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật Về nguyên tắc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và các cá nhân, tổ chức có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, có những trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có những sai sót hoặc có những tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án. Cùng với việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, pháp luật tố tụng dân sự còn quy định thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đó là thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. đ1. Giám đốc thẩm Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là: - Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; - Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; - Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Thời hạn để thực hiện quyền kháng nghị là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị này sẽ dẫn đến hậu quả là bản án, quyết định đã có hiệu lực bị tạm ngừng việc thi hành để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được đơn kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Toà án có thẩm quyền phải mở phiên toà để giám đốc thẩm vụ án. Phiên toà này phải có sự tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, nhưng không cần thiết phải triệu tập các đương sự. Hội đồng giám đốc thẩm có các quyền hạn sau: - Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; - Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa; - Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại; - Huỷ bản án, quyết định của Toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định. đ2. Tái thẩm Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không thể biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là: - Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; - Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc giả mạo chứng cứ; - Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; - Bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước mà Toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ. Thời hạn của kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Hội đồng tái thẩm có thẩm quyền sau: - Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực; - Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại; - Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng tái thẩm ra quyết định. 4. Thi hành bản án, quyết định giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại của Toà án Việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về kinh doanh - thương mại nói riêng, về dân sự nói chung, ngoài những quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 còn được quy định trong Pháp lệnh Thi hành án dân sự được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/01/2004 và những văn bản pháp luật liên quan khác. Khi bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành thì các đương sự phải có nghĩa vụ thi hành, nếu không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án trong thời hạn ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. a. Các cơ quan thi hành án bao gồm: - Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cơ quan thi hành án cấp tỉnh); - Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cơ quan thi hành án cấp huyện); - Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (gọi chung là cơ quan thi hành án quân khu). b. Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án Quá trình thi hành các bản án quyết định của Toà án được khái quát thành 3 bước cơ bản. - Cấp bản án, quyết định của Toà án; - Ra quyết định thi hành án; - Thực hiện quyết định thi hành án. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm: - Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; - Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; - Phong toả tài khoản, tài sản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước; - Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; - Buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật tư, tài sản khác; - Cấm hoặc buộc người phải thi hành án không được làm hoặc phải làm một công việc nhất định. Bài cũ hơn:
|